Tìm hiểu quy trình sản xuất gốm Bát Tràng


Bài đăng lúc: 22 : 41 | 18673 Lượt xem

Quy trình sản xuất gốm Bát Tràng, cách làm gốm Bát Tràng hay những nguyên liệu làm gốm Bát Tràng gồm những gì là câu hỏi mà không ít người trong chúng ta thắc mắc. Vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về quy trình làm gốm Bát Tràng chi tiết và cụ thể nhất trong bài viết dưới đây nhé.

Nguyên liệu làm gốm Bát Tràng

Nguyên liệu làm gốm thường dùng là đất sét với độ dẻo cao. Tuy nhiên với gốm sứ Bát Tràng thì nguyên liệu được sử dụng chính là đất sét Trúc Thôn. Đây là loại đất có độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt mịn, đất có màu trắng xám, độ chịu lửa ở khoảng 1650°C. Tuy nhiên đất sét Trúc Thôn cũng có một số hạn chế như chứa hàm lượng ôxít sắt khá cao, đất có độ ngót khi sấy khô lớn và bản thân loại đất này không được trắng.

Quy trình sản xuất gốm Bát Tràng

Chọn đất làm gốm

Điều quan trọng nhất chính là chọn đất sét. Đất sét được chọn phải là loại đất sét có màu trắng, độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt phải mịn thì mới đảm bảo làm ra sản phẩm gốm sứ đạt chất lượng cao.

Xử lý, pha chế đất làm gốm

Trong đất sét dùng làm nguyên liệu thường có lẫn tạp chất nên chúng thường được xử lý trước khi làm gốm. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi loại gốm mà có thể có những cách pha chế đất khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp. Trong quy trình sản xuất gốm Bát Tràng, phương pháp xử lí đất gồm 4 bước xử lý ở 4 bể ở độ cao khác nhau.

  • Bể 1: Dùng để ngâm đất sét khô và nước, do ngâm nước nên đất sét sẽ bị phá vỡ kết cấu hạt nguyên thuỷ và bắt đầu quá trình phân rã.
  • Bể 2: Khi đất sét đã được ngâm trong bể 1 được 3 – 4 tháng thì chúng được đánh thật đều và cho xuống bể 2.
  • Bể 3: Dùng để chứa hồ loãng ở bể 2 khoảng 3 ngày
  • Bể 4: Sử dụng để khử mọi tạp chất còn sót lại trong đất sét.

Tạo dáng cho sản phẩm gốm sứ

Phương pháp tạo dáng gốm Bát Tràng là sử dụng bàn xoay kết hợp với đôi tay khéo léo để tạo dáng gốm. Trong khâu tạo dáng này, thợ gốm sử dụng lối “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay. Thợ làm gốm ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn sau đó dùng chân quay bàn xoay và dùng tay vuốt đất nhằm tạo dáng sản phẩm theo ý muốn.

Phơi sấy và sửa hàng mộc

Sau khi tạo dáng gốm xong, người ta tiến hành phơi khô gốm. Biện pháp mà xưa nay người Bát Tràng vẫn thường dùng là hong khô sản phẩm trên giá và để nơi thoáng mát. Hiện nay phần nhiều các lò làm gốm sử dụng biện pháp sấy hiện vật trong lò sấy, cho tăng nhiệt độ từ từ để cho nước bốc hơi dần dần.

Trang trí hoa văn

Thợ gốm sử dụng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết trang trí theo ý muốn. Muốn vẽ đẹp, thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn và các họa tiết phải hài hoà với dáng gốm.

Chế tạo men

Trong quy trình sản xuất gốm Bát Tràng, thợ làm gốm thường quen sử dụng cách chế tạo men theo phương pháp ướt. Phương pháp này được thực hiện bằng cách cho nguyên liệu đã nghiền lọc kĩ rồi trộn đều với nhau, sau đó khuấy tan trong nước và đợi đến khi lắng xuống thì loại bỏ phần nước trong ở trên và bã đọng ở dưới đáy để chỉ lấy các “dị” lơ lửng ở giữa. Đây chính là lớp men bóng để phủ bên ngoài đồ gốm.

Tráng men sản phẩm gốm sứ

Khi gốm mộc đã hoàn chỉnh, thợ gốm nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem tráng men hoặc cũng có thể dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung.

Nung sản phẩm gốm sứ

Nung gốm sứ là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất gốm Bát Tràng. Ở công đoạn này, người thợ chú ý tới việc tăng nhiệt độ lò nung dần dần để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất, cho tới khi gốm chín thì lại hạ nhiệt độ từ từ để cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Đây chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.

Sau khi nung gốm xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để cho lò gốm được làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội trong lò này thường kéo dài 2 ngày 2 đêm. Sau đó thợ nung mới mở cửa lò và tiếp tục để nguội 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới tiến hành cho sản phẩm ra lò, phân loại cũng như sửa chữa các khuyết tật trước khi mang phân phối sản phẩm ra thị trường.

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo