Nghệ thuật thổi hồn vào tượng heo sứ


Bài đăng lúc: 03 : 25 | 508 Lượt xem

Để tạo ra chú heo dễ thương, trông khỏe mạnh là hàng nghìn giờ vẽ đi vẽ lại, nắn nót từng đường nét dựa theo cơ thể, vận động thực tế của chúng và đã được nghệ thuật hóa.

Năm 14 tuổi, Leonardo da Vinci đến với nghệ thuật bằng bài tập nhập môn là “vẽ đi vẽ lại quả trứng gà”. Ông được dạy rằng càng có kiến thức phong phú và am hiểu tường tận ở nhiều góc độ, tác phẩm tạo ra sẽ càng chân thực và tự thân toát lên cái hồn mà tác giả mong muốn. Về sau, con đường nghệ thuật của họa sĩ người Italy càng thăng hoa khi ông am hiểu các lĩnh vực khác với vai trò nhà giải phẫu, bác sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà triết học tự nhiên và điêu khắc gia.

Cũng đề cao kiến thức và sự am hiểu tường tận về cái gốc của tác phẩm nghệ thuật, nghệ nhân Lý Ngọc Minh, ông chủ thương hiệu gốm sứ Minh Long cho rằng nghệ sĩ đích thực phải thông hiểu thuộc tính của sự vật, đối tượng mà mình muốn đặc tả.

Triết lý ấy được ông Minh và cộng sự thể hiện qua tất cả tác phẩm mà Minh Long ra mắt hàng thập kỷ qua. Chỉ riêng mẫu hoa sen trên các bức tượng và bộ đồ sứ cũng đã là một câu chuyện trải dài theo vòng tròn của quả địa cầu. Đi bất kể đâu, người đàn ông yêu gốm sứ cũng sưu tập mẫu sen, mua các tài liệu vẽ để tìm thấy những hình ảnh chân thực, gần gũi nhất. Chuẩn mực hoàn mỹ không cho phép ông bằng lòng khi kết quả chưa chạm ngưỡng một trăm phần trăm. Từ sự cần mẫn và tập trung cao độ cho giá trị nghệ thuật ẩn sâu trong mỗi tác phẩm của nghệ nhân ấy, bộ bát đĩa cho tiệc chiêu đãi APEC 2017 khiến ai nấy đều nức lòng. Chuyện về mẫu hoa sen trân trọng hiện diện trên bàn ăn của lãnh đạo các nước chỉ là một phần nhỏ trong “cái hồn” mà một sản phẩm hoàn chỉnh của Minh Long thổi vào từng thực khách mộ điệu.

Trong mùa Tết Kỷ Hợi năm nay, thương hiệu gốm sứ nổi tiếng và có bề dày lịch sử nhất Việt Nam vừa giới thiệu bộ tượng heo sứ thay cho lời chúc năm mới “phúc lộc thọ khang, an nhiên và may mắn” đến mọi người. Đằng sau đó là câu chuyện về kỹ nghệ thâm thúy của những người làm nghệ thuật đích thực.

Ông Minh đưa những ngón tay vuốt chậm rãi vào từng họa tiết trên tượng heo lớn có chiều dài 24,5cm rồi nhẹ nhàng đưa tượng heo nhỏ dài 9cm vào giữa bàn tay như nâng niu một đứa trẻ mới lọt lòng. Ông lúc nào cũng thế, mấy mươi năm qua không biết bao lần ngắm nghía thành phẩm mới ra lò, gương mặt vẫn luôn rạng rỡ và môi nở nụ cười đầy ưng ý.

Để chuẩn bị cho mùa Tết năm nay, ông Minh giao cho đội ngũ kế thiết kế của mình một đề bài gồm hai tính từ “khỏe khoắn” và “dễ thương”. Cụ thể hơn, heo lớn sẽ gắn với hình ảnh “khỏe khoắn”, dáng vẻ trẻ trung của thanh niên trong khi heo nhỏ phải thể hiện được nét “dễ thương” của những đứa trẻ. Tất cả bức tượng đều phải có tạo hình tròn trĩnh, đôi mắt to sáng, khuôn mặt hoan hỉ, thần thái vui tươi và tràn đầy phấn khởi. Nhiệm vụ của nhóm thiết kế là làm sao đặc tả được diện mạo và tinh thần của bức tượng như yêu cầu ông đề ra.

Sau thời gian nghiên cứu và liên tục sửa mẫu, hai dòng sản phẩm quà tặng cho năm Kỷ Hợi – Heo Bách Lộc và Heo Tài Lộc được điểm xuyết bằng vàng 24k đã chính thức ra mắt.

Dòng sản phẩm Heo Bách Lộc mang thông điệp “khỏe khoắn” gồm nhóm tượng heo lớn có ba màu chính với trắng – xanh cobalt, đỏ và cam có chiều dài 24,5cm, rộng 15cm và cao 15,5cm, thân hình tròn trĩnh, nở nụ cười to, ánh mắt vui tươi, khuôn mặt ngước lên cao thể hiện nhựa sống tràn đầy. Thân tượng được tạo điểm nhấn bởi hoa sen, vốn là hình ảnh đặc trưng trong nhiều sản phẩm Minh Long, thể hiện bằng đường nét hiện đại, thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống của hoa thật, gắn với sự trẻ trung và đổi mới. Ngoài ra, các nghệ nhân còn dụng công sáng tạo qua việc cách điệu hình ảnh lượn lờ của ngôi sao sáu cánh (lục) trên đầu tượng, bởi lục cũng đồng nghĩa với lộc.

Tiêu chí “dễ thương” được giải đáp bằng những chú heo nhỏ có chiều dài lần lượt 15cm và 9cm của dòng sản phẩm Heo Tài Lộc. Tượng heo sử dụng màu đơn sắc như đỏ, cam, xanh, trắng đại diện cho may mắn, không họa tiết, thể hiện sự trong sáng và hồn nhiên của những đứa trẻ. Đặc biệt, Minh Long giới thiệu tác phẩm tượng heo làm bằng vàng nguyên chất thể hiện sự cao sang, quý phái và tượng heo màu xám được chế tác bằng nghệ thuật hỏa biếm.

“Chủ đề của năm nay là heo vừa dễ thương, vừa có sức khỏe tốt, khỏe mạnh cũng giống như mơ ước của bất cứ một ai hay doanh nghiệp nào”, ông diễn giải ý tưởng khởi phát từ cách đây vài năm.

Tuy nhiên, để chuyển thể một ý tưởng trừu tượng thành hình ảnh và tác phẩm nghệ thuật là hành trình phiêu lưu với thời gian. Ở đó, hàng nghìn tập tư liệu đã được tra cứu, hàng nghìn giờ vẽ đi vẽ lại, nắn nót từng đường nét dựa theo cơ thể của một sinh vật thực tế, nghệ thuật hóa bằng những chi tiết linh hoạt, là hàng chục khâu hoàn thiện qua bàn tay của cả con người lẫn máy móc.

Nhưng nghệ thuật không chỉ đơn thuần lộ diện ở những chi tiết nhìn vào có thể thấy ngay trên bề mặt của tác phẩm. Người thưởng lãm có khi thắc mắc bằng kỹ thuật nào mà người thực hiện đã khiến ta có thể ngay lập tức cảm nhận được thông điệp vui tươi, ấm áp của tác phẩm như một thực thể sống thật sự?

Đó là linh hồn của bức tượng, mà đằng sau nó là sự khéo léo và dày công khổ luyện của nghệ nhân.

Trong tự truyện “Những câu chuyện từ trái tim”, Giáo sư Trần Văn Khê từng viết: “Tôi may mắn có một trí thông minh và trí nhớ tốt, có nhờ thiên phú nhưng chỉ là ba mươi phần trăm. Còn lại tôi phải làm việc, học hỏi, luyện tập mới có được một kiến thức dồi dào”.

Ba mươi phần trăm đó nếu đưa vào câu chuyện làm gốm sứ của Minh Long, thì chính là tố chất thiên bẩm. Ông Minh nói rằng kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hoàn hảo phải đến từ bàn tay của những người có tài năng, tố chất sẵn có. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần ban đầu, bảy mươi phần trăm còn lại là cộng hưởng của nhiều yếu tố mà có thể tổng hòa trong một từ “khéo”.

“Tạo ra phần hồn của bức tượng là chuyện cực kỳ khó”, ông Minh đúc rút từ mấy chục năm đeo đuổi không ngừng kỹ nghệ gốm sứ. Việc này đòi hỏi nghệ nhân phải có kiến thức, am tường về sự vật, đối tượng mà mình muốn thực hiện. Ví như muốn tạo tác một tượng heo chân thực thì không cách nào khác là có hiểu biết sâu sắc về cơ thể của con vật này, rằng hình dạng của chúng sẽ thay đổi ra sao theo từng mốc phát triển của thời gian. Từ cơ sở đó mà vẽ, nắn ra những đường nét sinh động không trái quy luật tự nhiên để khi nhìn vào ai cũng có thể nhận ra đó chính xác là một tượng heo. Tiếp nối, nghệ nhân dụng công ở lĩnh vực tướng học để thể hiện nét mặt vui tươi, hồn hậu, dễ thương như đề bài được giao ban đầu. Tất cả những ý tưởng trừu tượng nhất lúc này được thể hiện rõ ràng bằng hình ảnh thông qua những kiến thức thực tế, từ đó cường điệu hóa qua ánh mắt, cử chỉ trên gương mặt, cơ thể và qua đó mà bức tượng, hay có thể gọi là “diễn viên” hóa thân trọn vẹn trong vai diễn của mình.

Điều này tương tự nhìn vào con vật tưởng là dễ vẽ nhưng khi cầm bút ta lại bối rối không biết phải thể hiện như thế nào. Nghệ thuật vốn dĩ xuất phát từ thực tế, chỉ khi kiến thức đủ rộng thì nghệ sĩ mới thẩm thấu, từ đó cách điệu theo phong cách và dụng ý riêng của mình. Theo ông Minh, đó là một môn học tổng hợp và người giỏi thì phải biết tất cả chứ không phải với riêng một lĩnh vực nào.

Nhưng câu chuyện ấy mới chỉ là một phần trong cuộc tạo tác linh hồn cho tượng sứ. Tiếp nối là các công đoạn vẽ và nắn 3D, người hoàn thiện sửa mẫu rồi chuyển đến vẽ máy. Cái khéo ở đây là làm sao ở trên máy tác phẩm đạt độ hoàn mỹ, khi in ra không có khuyết điểm để sau đó là hàng chục công đoạn khác cho đến khi có trên tay tác phẩm hoàn chỉnh cuối cùng. Yêu cầu đặt ra là trải qua những quá trình ấy, bức tượng bị dày lên với các lớp men màu vẫn không mất đi phần hồn của nguyên tác.

“Chắc chắn đến lúc này độ tinh tế, sắc sảo đã giảm phần nào. Nếu nhìn tác phẩm bạn thấy khéo thì trước đó cái ban đầu phải là rất khéo”, ông Minh diễn giải. Để có được tất cả sự khéo ấy, không cách nào khác là phải làm việc, học hỏi và luyện tập như giáo sư Trần Văn Khê nhắc đến.

Ông chủ thương hiệu gốm sứ lớn nhất Đông Nam Á cho rằng sự khéo léo này không máy móc nào có thể thay thế được. Hơn 10 năm trước, trong khuôn viên rộng hàng trăm nghìn m2 của Minh Long, robot đã xuất hiện khi khái niệm cách mạng 4.0 vẫn còn chưa được định nghĩa tại Việt Nam. Ông Minh là một người yêu đất lạ lùng, trân trọng tuyệt đối những giá trị truyền thống nhưng lại rất cởi mở với những gì tiên tiến và hữu ích cho việc nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm quốc gia đến với bạn bè năm châu. Ở thời kỳ manh nha của công nghệ mới, ông đã nhập về nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ cho quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, đến nay, người thợ làm gốm sứ kỳ cựu vẫn quả quyết yếu tố “thủ công” không thể bị mai một trong nghệ thuật, ít nhất là vài mươi năm tới, ở lĩnh vực ông đam mê từ lúc còn thơ bé. Với ông, dù máy có tham gia thì cũng là do có người điều khiển, chỉ có thể thay thế những động tác đơn giản, đơn điệu, còn những chỗ khéo thì chỉ có con người mới làm ra được mà thôi.

“Vì vậy, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong vẻ đẹp của một tác phẩm gốm sứ nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung”, ông nói đầy tự hào.

Sản phẩm hoàn mỹ không chỉ cấu thành từ kỹ thuật, sự khéo léo của nghệ sĩ lành nghề, mà còn bởi hòa quyện với nguyên liệu thượng hạng. Ông Minh quan niệm một món ăn mà con gà, con cá hay cọng rau đầu vào không đủ tươi, không đủ ngon thì chẳng đầu bếp nào chế biến ra tươi ngon được. Trong công nghệ sản xuất có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm điều kiện khắt khe để đi đến cái gọi là tuyệt phẩm.

Song với ông Minh, đó chưa phải là đích đến bởi nghệ thuật chỉ thành công khi nghệ sĩ diễn được cái họ mong muốn khiến khán giả, người thưởng lãm có thể hiểu, thích và cảm nhận.

Với ông, nghệ thuật là phải đi vào lòng người.

Ông Minh rất thích đọc sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Lối hành chữ đơn giản, dễ hiểu nhưng đầy sâu sắc và thâm hậu của dịch giả “Đắc Nhân Tâm” cũng là tôn chỉ trong mỗi tác phẩm gốm sứ của ông. Với bộ bát đĩa trong yến tiệc APEC, ông tự hào khi bậc lão niên có thể cảm nhận triết lý, nghệ thuật cao siêu bên trong, còn người trẻ tuổi cũng nhìn thấy và trân trọng vẻ đẹp trong từng chi tiết.

Tượng heo lần này cũng thế. Những bức tượng thoạt nhìn có vẻ đơn giản và đời thường nhưng trong mắt của người lớn tuổi vẫn có thể hàm chứa góc nhìn triết lý. Trong quan niệm Á Đông, heo tượng trưng cho sự may mắn, tài phú. Đã từ rất xưa, heo đất xuất hiện như một hình ảnh về tiết kiệm tài chính. Hình dáng con heo mập mạp, mũm mĩm khiến người ta liên tưởng nó mang đến sự thịnh vượng.

Thực hiện tượng heo không xuất phát từ cảm xúc hay câu chuyện cá nhân của ông Minh, mà đến từ quy luật của tự nhiên khi năm nay là Kỷ Hợi. Nghệ nhân gốm sứ chỉ cảm nhận tinh túy của tạo hóa rồi tạo ra tác phẩm từ vẻ đẹp ấy gửi gắm cho người tiêu dùng.

Trong nghệ thuật có nhiều lối khác nhau, nếu chọn được một hướng đi mà ai cũng có thể đọc và cảm nhận được thì nó có thể đi vào lòng người. Nghệ thuật hoàn mỹ đơn giản là thứ nghệ thuật có thể chạm tới với được, ai cũng hiểu dù là theo những tầng nghĩa khác nhau. Vì thế, Minh Long dù làm gì cũng không đi khỏi tiêu chí “Bốn không, bốn có”, tức không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác và có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách, có hồn..

Nghệ thuật là không thể thưởng thức ở mức độ tuyệt đối, cũng như người thưởng lãm có thể không bao giờ hiểu tường tận ý nghĩa của một tác phẩm. Nhưng nghệ thuật có thể đi vào lòng người chính là thành công của một nghệ sĩ. Suốt hàng thập kỷ qua, ông Minh chưa bao giờ xa rời công chúng, người tiêu dùng của mình, chỉ đơn giản bởi nghệ thuật của ông gắn liền với hơi thở của đời sống và văn hóa người Việt.

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo