Cơ chế hoạt động, hướng dẫn sử dụng và bảo quản sứ dưỡng sinh


Bài đăng lúc: 03 : 24 | 435 Lượt xem

Để sản phẩm sứ dưỡng sinh được sử dụng một cách tốt nhất và bền nhất, người nội trợ nên nắm rõ cơ chế hoạt động cùng những lưu ý khi sử dụng sản phẩm cho từng loại bếp.

1. Cơ chế hoạt động và nấu chín thực phẩm của nồi sứ dưỡng sinh

Cơ chế hoạt động của sứ dưỡng sinh là phát huy tính năng hoạt động của bức xạ hồng ngoại (quá trình thu nhiệt – tỏa nhiệt – giữ nhiệt) để cho ra món ăn ngon lành, bổ dưỡng. Bức xạ hồng ngoại là bước sóng (mắt thường không nhìn thấy) đi tới đâu thì nhiệt truyền tới đó, không dừng lại cố định ở điểm nào. Đây là tính năng được nghiên cứu và thử nghiệm kỹ trên dòng sứ dưỡng sinh đầu tiên của thế giới.

Với nồi sứ dưỡng sinh Minh Long, bức xạ hồng ngoại được tăng cường rất mạnh và hiệu quả giúp thực phẩm chín nhanh, chín sâu, chín đều và cấu trúc thực phẩm không bị phá vỡ, giữ trọn các dưỡng chất và hương vị thuần khiết vốn có.

Giai đoạn 1:  Hấp thu nhiệt

Nên chỉnh nhiệt độ chế biến ban đầu: (Lưu ý: Nhiệt độ tùy vào chất lượng bếp)

– Bếp ga: Lửa nhỏ, khoảng 3 phút.

– Bếp hồng ngoại: 400W-600W, trong khoảng 3-5 phút.

– Bếp từ: 300W, trong khoảng 3-5 phút.

Sau đó, chỉnh lửa/nhiệt độ bếp ở mức lớn vừa (đây là giai đoạn nồi sứ dưỡng sinh hấp thu nhiệt và tích nhiệt vào xung quanh thành nồi).

Sau vài phút (tuỳ kích thước nồi và lượng thực phẩm đang chế biến), hoặc khi quan sát thấy hơi nước bốc ra mạnh xung quanh nắp nồi là lúc nồi đã hấp thu đủ nhiệt và bức xạ hồng ngoại bắt đầu hoạt động mạnh bên trong nồi.

Giai đoạn 2: Phát ra tia hồng ngoại làm chín thực phẩm 

Sau khi đã hấp thu đủ nhiệt, nồi sứ dưỡng sinh sẽ phát ra các bức xạ hồng ngoại mạnh để làm chín thực phẩm từ bên trong. Lúc này, nhiệt độ bếp chỉ cần chỉnh ở mức vừa phải hoặc thấp (vẫn đảm bảo lửa phủ đều mặt đáy nồi) nhằm duy trì độ nóng và hoạt động của bức xạ để tỏa nhiệt đều và giữ nhiệt ổn định trong nồi. Trong thời gian này, nắp nên được đậy kín để làm tăng hiệu quả làm chín thực phẩm của các tia hồng ngoại.

2. Lưu ý khi sử dụng

2.1 Lưu ý chung:

• Khi luộc rau củ không nước, nếu chưa quen với phương pháp chế biến này thì nên cho một ít nước (khoảng 1 – 2 muỗng canh) vào nồi để thao tác dễ dàng hơn mà món ăn vẫn ngon và đảm bảo dưỡng chất¸ tăng độ bền của sản phẩm.

• Khi sử dụng lưu ý lượng thời gian phù hợp để thực phẩm được chín ngon hơn vì thời gian làm chín thực phẩm của sản phẩm sứ dưỡng sinh nhanh hơn các dụng cụ nấu thông thường (vì được chín bằng tia hồng ngoại). 

• Sản phẩm sứ dưỡng sinh giữ độ nóng rất lâu, đặc biệt khi đậy nắp kín. Nếu chưa dùng ngay sau nấu, bạn có thể tắt bếp trước khi thức ăn chín vài phút vì độ nóng của nồi đủ để làm thức ăn chín ngon.

• Trường hợp dùng sản phẩm để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, khi lấy ra, nên để sản phẩm giảm lạnh trước khi nấu hoặc bắc lên bếp chỉnh ở mức nhiệt thấp để làm ấm nồi trước khi nấu.

• Không đặt nồi đang nóng trực tiếp lên bề mặt lạnh (mặt đá, inox,…), sử dụng miếng lót nồi chịu nhiệt khi bắc nồi nóng ra khỏi bếp.

• Sản phẩm phù hợp sử dụng trên các nguồn nhiệt và thiết bị nhà bếp: Bếp ga, bếp hồng ngoại, lò vi sóng (trừ bếp từ), lò nướng, tủ lạnh, máy rửa chén.

• Khi nấu ăn, người dùng có thể tham khảo quy trình cụ thể theo Sách hướng dẫn nấu ăn (cookbook) được đính kèm trong bao bì sản phẩm. Nhưng phần hướng dẫn này chỉ mang tính chất tham khảo tương đối, có thể điều chỉnh tùy khẩu vị, cách nấu và thói quen của từng gia đình với từng loại bếp.  

2.2 Lưu ý với từng loại bếp

– Đối với bếp ga: 

• Sứ dưỡng sinh dễ sử dụng hơn khi được dùng trên bếp ga vì có thể linh hoạt điều chỉnh lượng lửa và nhiệt độ dễ dàng. 

• Khi chế biến các món không cần nước, nên sử dụng trên bếp ga để dễ nấu và diện tích lửa phải phủ hết đáy nồi tránh trường hợp tích nhiệt tập trung ở một vùng nhỏ có thể làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

– Đối với bếp hồng ngoại:

• Diện tích toả nhiệt của bếp hồng ngoại (vòng nhiệt đỏ) phải lớn hơn diện tích của đáy sản phẩm.

• Trường hợp diện tích đáy sản phẩm lớn hơn diện tích tỏa nhiệt của bếp, nên sử dụng vỉ inox đặt trên bếp để nhiệt tản đều và dễ nấu hơn. (Vỉ lót nồi sẽ bán kèm sản phẩm) .

– Đối với bếp từ:

• Nên làm nóng nồi khoảng 3-5 phút với mức nhiệt 300W, sau đó tăng dần lên nhiệt độ cao tùy theo món chế biến (không tăng nhiệt độ vượt quá mức 1.800W). Nhiệt độ tùy thuộc vào chất lượng bếp.

• Diện tích vòng từ của bếp phải lớn hơn hoặc bằng diện tích phần đáy có lớp từ của sản phẩm.

• Do sản phẩm được thiết kế để chuyên sử dụng trên bếp từ, nên hạn chế sử dụng thường xuyên trên bếp ga, bếp hồng ngoại vì có thể làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

• Không dùng nồi sứ đáy từ trong lò vi sóng.

3. Hướng dẫn làm sạch và bảo quản

– Làm sạch bên trong và bên ngoài sản phẩm bằng các miếng chùi rửa với dung dịch tẩy rửa thông thường. Với loại sản phẩm dùng cho bếp từ, không sử dụng vật dụng cứng (như bàn chà sắt) để chà rửa phần đáy có lớp từ.

 – Đối với ga và bếp hồng ngoại, trường hợp vô tình làm sản phẩm có mảng cháy khi nấu nướng, cách xử lý nhanh nhất là cho nước vào nồi, nấu sôi nước, dùng dụng cụ bằng gỗ cạo sạch mảng bám, sau đó tẩy rửa sạch như thông thường; hoặc ngâm qua đêm và sử dụng dụng cụ tẩy rửa để làm sạch.

– Đối với vết bẩn do cháy, hay sử dụng lâu ngày, khó chà rửa bằng chất tẩy thông dụng thì sử dụng các chất tẩy rửa hiệu quả và lành tính thường có sẵn trong bếp như: Bột nở (baking powder), muối nở (baking soda), chanh hoặc giấm ăn.

– Nên lau khô sản phẩm sau khi rửa và bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh những nơi có khả năng dễ rơi vỡ, tránh đáy sản phẩm va chạm với các vật dụng bén nhọn (dao, nĩa…).

– Hạn chế sản phẩm bị va đập để giữ độ bền sản phẩm cao nhất. 

Minh Long I

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo