Chiêm ngưỡng tinh hoa gốm sành cổ Phù Lãng


Bài đăng lúc: 15 : 25 | 1251 Lượt xem

Gốm sành cổ Phù Lãng là một trong loại gốm cổ nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ. Gốm sành cổ Phù Lãng luôn khoác lên mình vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo và thường được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ làm đồ gia dụng cho đến làm đồ thờ cúng tâm linh.

Giới thiệu gốm sành cổ Phù Lãng

Gốm sành cổ Phù Lãng là loại gốm được sản xuất tại làng nghề Phù Lãng nổi tiếng thuộc xã Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh. Cùng với gốm Thổ Hà, Bát Tràng, làng nghề gốm Phù Lãng được coi là một trong 3 trung tâm làm gốm cổ của đồng bằng Bắc Bộ.

Theo tương truyền vào cuối thời vua nhà Lý có 3 ông quan lớn tên là Lưu Phong Tú, Hứa Vĩnh Cảo, Đào Trí Tiến đi sang sứ Trung Quốc đã học được nghề làm gốm. Khi từ Trung quốc trở về nước, các ông quan đã chia nhau mỗi người về một nơi để dạy dân làng mở mang nghề làm gốm. Ông Lưu Phong Tú về làng Phù Lãng và trở thành ông tổ nghề gốm của làng. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng lấy ngày 7 tháng Giêng âm lịch  hàng năm là ngày giỗ Tổ nghề gốm.

Gốm sành cổ Phù Lãng có lịch sử phát triển từ khá sớm, ngay từ những thế kỷ 17, đến thế kỷ 20, người ta đã dùng các sản phẩm gốm sứ Phù Lãng để làm các vật dụng trang trí, gốm gia dụng và các đồ gốm trong tín ngưỡng tại các khu vực đền, chùa,..

Các sản phẩm gốm sành cổ Phù Lãng

Đồ gốm trong tín ngưỡng, cúng bái

Các sản phẩm gốm Phù Lãng được dùng trong tín ngưỡng, cúng bái gồm có các sản phẩm như lư hương, đỉnh thờ, chân nến, bình hoa,…

  • Về tạo hình: Gốm Phù Lãng được dùng 2 phương pháp tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc sử đất nung rồi rán ghép lại.
  • Về tài trang trí: Các họa tiết trang trí trên gốm Phù Lãng sử dụng phương pháp đắp nổi với hình thức chạm bong là chủ yếu. Các đề tài trang trí gồm tứ linh (long – ly – quy – phượng) cùng với nghê quỳ, hạc, chữ thọ tròn hay mặt hổ phù, cánh sen,….
  • Về lớp men trang trí: Men gốm Phù Lãng thường có đặc trưng là không phủ đều, chỗ đậm chỗ nhạt, có chỗ rạn men, chỗ thì co men, đôi khi có những vết men loang lổ chảy xuống tự nhiên trông rất đẹp mắt. Và đây chính là những đặc trưng nổi bật riêng biệt của gốm sành nâu Phù Lãng.

Đồ gốm trong gia dụng

Các loại gốm Phù Lãng được dùng cho sinh hoạt, gia dụng gồm có các sản phẩm thông dụng như các loại ấm, bình voi, ống điếu, lọ, chum, hũ… Đặc trưng của gốm gia dụng thường không có họa tiết trang trí, nếu có thì cũng rất ít và hết sức đơn giản. Các sản phẩm gốm sành nâu này đều phủ men đặc trưng với mầu vàng sẫm, nâu đen, nâu ngả rêu.

Các loại bình, ấm được tạo kiểu dáng hết sức đa dạng như ấm tạo dáng con vật, ấm tạo dáng hoa quả, ấm bình thường,… Nhìn chung các loại gốm gia dụng thường được trang trí đơn giản không hề cầu kỳ như gốm dùng trong tín ngưỡng nhưng nó lại toát lên vẻ đẹp rất mộc mạc, chắc khỏe của loại gốm sành nâu.

Gốm nghệ thuật

Gốm nghệ thuật Phù Lãng thường không được phong phú và đa dạng như gốm sứ Bát Tràng. Gốm Phù Lãng nghệ thuật tập trung chủ yếu vào các loại chậu hoa, bình hoa, đôn, tượng nghê, tượng thú… Màu men chủ đạo của gốm nghệ thuật là màu nâu đen, vàng đất, nâu đỏ…

Gốm sành cổ Phù Lãng tuy mộc mạc giản dị nhưng lại vô cùng tinh tế, đó là tất cả những gì mọi người cảm nhận khi có dịp ngắm nghía những cổ vật gốm sành cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ. Với đôi bàn tay khéo léo, tài tình những người thợ gốm làng Phù Lãng đã tạo nên những cổ vật cực kỳ độc đáo, đặc sắc trong lịch sử các làng nghề của dân tộc.

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo