Về thăm làng gốm cổ Bồ Bát, Ninh Bình
T04 / 2018
Gốm Bồ Bát, Ninh Bình với bề dày lịch sử phát triển dày dặn dường như đã bị lãng quên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, gốm Bồ Bát, Ninh Bình dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cho ra các sản phẩm đẹp mắt, chất lượng cao ngày càng trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng khắp mọi nơi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trở thành thương hiệu xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Giới thiệu sơ lược làng gốm Bồ Bát, Ninh Bình
Ninh Bình không chỉ được biết với ngành du lịch mà còn được biết đến với làng gốm Bồ Bát nổi tiếng. Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình được phát triển từ khá lâu về trước. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát của doanh nhân Phạm Văn Vang –chàng trai 8X có hoài bão lớn lao và cũng là người đầu tiên có công khôi phục lại làng nghề gốm Bồ Bát ở vùng đất Ninh Bình.
Lịch sử hình thành và phát triển làng gốm Bồ Bát, Ninh Bình
Trải qua hàng trăm năm, gốm Bát Tràng trở thành cái tên nổi tiếng khắp đất nước Việt Nam và đi vào ca dao tục ngữ, nhưng gốm Bồ Bát, Ninh Bình lại là một cái tên bị lãng quên. May mắn thay khi được ghé thăm nghệ nhân Phạm Văn Vang trong buổi chiều tà, quả thực chúng tôi đã gặp hết bất ngờ này tới bất ngờ khác khi tiếp xúc với chàng trai 8X trẻ tuổi đầy hoài bão này. Theo lời anh Vang kể thì từ khi tuổi còn thơ ấu, dù cả làng mình đã không còn nghề gốm, nhưng anh vẫn nhớ về những lúc được nghe ông bà mình kể lại rằng nghề gốm Bồ Bát đã từng xuất hiện ở làng mình trên 300 năm về trước. Trong quá trình hoạt động, có thời gian làng nghề rất hưng thịnh, phát triển mạnh mẽ, cả làng ai cũng làm và sống bằng nghề gốm.
Thời gian sau này do chiến tranh tàn phá, cuộc sống nhân dân nhiều khó khăn, các sản phẩm về gốm không còn được ưa chuộng và thịnh hành nữa, nên dần dần làng nghề bị mai một và mất dần đi. Với khát khao sẽ hồi sinh lại làng nghề truyền thống gốm Bồ Bát của quê hương Ninh Bình, anh Vang đã quyết tâm đi học và tìm hiểu về nghề gốm suốt 10 năm qua. Cùng chung ý tưởng, chung sức với sự quyết tâm của anh Vang, người dân ở làng Bạch Liên, Yên Thành đã và đang dần dần khôi phục lại nghề làm gốm đã bị thất truyền bấy lâu nay.
Nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất phải là khi tới thăm xưởng gốm của gia đình anh Vang, trước mắt chúng tôi là khu mái lợp tôn hơn 500 mét vuông với hơn 20 thợ làm gốm đang hoạt động hang say. Mỗi ngày xưởng gốm Bồ Bát, Ninh Bình sản xuất hơn 5000 sản phẩm đủ chủng loại với màu men trắng như ngà, mỏng, nhẹ, độ cứng cao do được nung ở nhiệt độ 3000 độ C. Khác với đồ gốm Trung Quốc, gốm Bồ Bát được làm từ một loại đất sét riêng của vùng quê Ninh Bình, nung ở nhiệt độ cao nên gốm Bồ Bát được sản xuất ra với đặc trưng không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe, đồng thời giữ được nét đặc trưng và độ bền bóng của men, hạn chế tối đa sứt mẻ, phù hợp để làm đồ gia dụng trong mỗi gia đình, trong các nhà hàng và khách sạn.
Gốm Bồ Bát ngoài những sản phẩm chính là gốm mỹ nghệ như là chuông gió, vòng cổ còn có các sản phẩm gia dụng như lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa,… với hình dáng đa dạng, phong phú, màu men gốm được chế tác tinh xảo. Đặc biệt là các họa tiết trang trí nghiêng thiên về sử dụng các mẫu họa tiết truyền thống thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa Việt Nam cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở vùng đất có gốc làm nghề.
Khoảnh khắc khi được tận mắt nhìn các nghệ nhân trẻ tuổi miệt mài vẽ các họa tiết lên sản phẩm, hay nhào nặn đất để làm ra các sản phẩm gốm Bồ Bát giường như tôi đã thấy cái khí thế hào hung của một làng nghề đang dần quay trở lại. Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng tâm huyết của chàng thanh niên đầy hoài bão, trẻ tuổi Phạm Văn Vang và người dân làng Bạch Liên đã nhanh chóng làm sống lại thương hiệu gốm Bồ Bát đã bị lãng quên hàng trăm năm về trước.