Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng hướng dẫn cách pha trà trọn vị ngon dịp Trung thu
T09 / 2021
Uống trà thưởng nguyệt là một trong những thú vui tao nhã mùa Trung thu. Để cả nhà cùng cảm nhận trọn vẹn sắc-hương-vị của chén trà, của tình thân trong dịp đặc biệt này, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã có những chia sẻ bổ ích về cách pha một bình trà để chắt chiu ra chén trà ngon.
Luôn tự hào về vẻ đẹp trà Việt Nam và khát khao quảng bá trọn sắc-hương-vị của chén trà Việt Nam đi khắp thế giới, Hoàng Anh Sướng rất kỹ tính trong việc chọn dụng cụ pha trà và thường ưu tiên chọn những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt. Khi tham quan showroom và được nghe giới thiệu về vùng đất gốm sứ nổi tiếng phương Nam – gốm sứ Bình Dương, nghệ nhân đất Hà thành rất thích thú. Cầm bộ trà Sen Vàng – một trong những sản phẩm độc đáo của Minh Long I trong dịp Trung thu, nghệ nhân trà bày tỏ sự ngạc nhiên. Vì anh vốn nghĩ, các sản phẩm của Minh Long hợp với “trà Tây” hơn. Không ngờ bộ Sen Vàng lại đẹp, tinh xảo, hợp với trà đạo Việt đến vậy. Nhân dịp này, anh cũng mua nhiều sản phẩm họa tiết hoa sen về cho gia đình và tặng bạn bè, người thân trong dịp trung thu tới.
Dành hơn nửa cuộc đời đam mê và khám phá về trà, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng đúc kết được 4 yếu tố quan trọng hàng đầu chính là “Nhất thủy – Nhị trà – Tam pha – Tứ ấm (đầu tiên nước pha trà phải ngon, thứ 2 là trà ngon, thứ 3 người pha trà phải khéo và cuối cùng ấm pha trà phải tốt).
1. Nước pha trà phải ngon
Cổ nhân ngày xưa đã đặt một cái tên rất hay cho nước pha trà đó là “trà hữu” nghĩa rằng nước là bạn hữu, tri kỷ của trà.
Nước pha trà có rất nhiều nguồn từ nước suối, nước giếng, nước sông đến nước mưa. Từ xa xưa, cổ nhân rất chuộng dùng nước suối để pha trà.
Có một câu rất nổi tiếng “Sơn thủy thượng, giang thủy trung và tĩnh thủy hạ”.
Sơn thủy thượng nghĩa là nước đầu nguồn từ ngọn suối chảy về, lấy nước pha trà ngon nhất. Giang thủy trung là nước ở giữa dòng sông pha trà là ngon thứ nhì. Tĩnh thủy hạ là nước giếng trên núi, lấy pha trà ở mức thứ 3.
Trong mỗi nguồn nước lại chia thành nhiều thứ hạng, ví dụ như nước suối nếu hứng ở đầu nguồn, nước chảy xiết dùng để pha trà nhanh chín nhưng hương trà mau tan. Uống thường xuyên sẽ bị đau họng.
Cũng là nước suối nhưng nếu hứng nước cuối nguồn, chỗ không lưu thông, pha thì trà lâu chín, không dậy hương. Dùng thường xuyên thì sẽ bị sỏi thận.
Theo kinh nghiệm của các bậc cao niên ngày xưa thì chúng ta nên chọn chỗ yên bình nhất của con suối, nước lưu thông hiền hòa để pha trà là tốt nhất.
Nước mưa cũng là một nguồn nước được người xưa ưa chuộng. Các bậc cao niên truyền tải rằng những cơn mưa đầu mùa hạ không nên hứng, mà phải đợi đợt mưa thứ 3, 4 (vì đợt đầu tiên hứng nước mưa trên mái ngói sẽ cuốn theo bụi cả năm). Dụng cụ để hứng nước mưa ngày xưa cũng rất đa dạng, nó có thể là bể hoặc giếng. Sau khi để một thời gian, dùng nước mưa pha trà cũng rất tuyệt vời.
Riêng bản thân tôi đã có khám phá thú vị trong hành trình nghiên cứu về trà, đó là dùng nước suối, nước giếng chính tại nơi mình hái trà sẽ cho hương vị rất tuyệt vời.
2. Chọn trà ngon
Đầu tiên chúng ta phải xem hình dáng của trà, búp trà. Khi ta cầm trà mà nhìn thấy những cánh ban, cánh đỏ, dập nát thì chắc chắn đấy không phải là trà ngon. Kế tiếp là phải ngửi mùi hương của trà. Đối với những loại trà ướp hương tự nhiên như sen, nhài thì hương phải thơm, tươi mát.
3. Người pha trà phải khéo
Khi pha trà tâm của chúng ta phải hoàn toàn thư thái, dành hết tâm huyết trong từng động tác và nghĩ rằng phải làm sao để có trà ngon cho chính mình và dâng mời khách. Với tâm chánh niệm, chắc chắn chúng ta sẽ có chén trà ngon. Ngược lại, nếu ta pha trà mà nuối tiếc về quá khứ, nghĩ về mối tình tan vỡ hay lo lắng tương lai ngày mai thì khó có được chén trà như ý.
4. Ấm pha trà phải tốt
Hiện nước ta chia làm 2 loại ấm căn bản: 1 là loại ấm bằng đất nung, 2 là loại ấm sành sứ như của Minh Long I. Tôi có một số lời khuyên cho quý vị là đối với ấm bằng chất liệu sành sứ giống như Minh Long I thì chúng ta nên pha trà Ô long hoặc trà sen, trà lài.