Bánh tét lá cẩm của dòng họ Huỳnh


Bài đăng lúc: 02 : 14 | 413 Lượt xem

Bánh tét lá cẩm của dòng họ Huỳnh

Bánh tét lá cẩm đẹp đến mê hồn, nhân vàng ươm điểm thêm màu hồng của thịt, màu đỏ của lạp xưởng, bánh không chỉ dẻo thơm mà còn như một bức tranh sống động của vườn tược thắm tươi bên dòng sông Hậu. Nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (83 tuổi) ( 127/24 Thái Thị Nhạn, An Thới, Bình Thủy, Cần Thơ) kể: thời bà 18 tuổi bưng xịa xôi lá cẩm đi bán khắp Bình Thủy chợt nghĩ màu lá cẩm đẹp như vầy, làm xôi được thì có lẽ sẽ làm bánh tét cũng sẽ được. Rồi với nếp nhà quê, với lá cẩm mọc đầy vườn nhà bà cặm cụi gói rồi nấu. Lần đầu tiên bánh cho ra màu tím xỉn, bà không ưng, ngâm nếp gói lại. Cứ thế làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi bánh cắt ra màu cẩm đẹp đến mê hồn, nhân vàng ươm điểm thêm màu hồng của thịt, màu đỏ của lạp xưởng, bánh không chỉ dẻo thơm mà còn như một bức tranh sống động của vườn tược thắm tươi bên dòng sông Hậu. Bà Trọng trở thành người đầu tiên làm bánh tét lá cẩm, món bánh đặc trưng nhất của Cần Thơ. Sau này Cần Thơ có thêm rất nhiều người cũng làm thành công món bánh này như bà Chín Cẩm, Tư Đẹp… Bánh đi khắp nơi, vượt qua cả biên giới tổ quốc để đến với cộng đồng người Việt ở Mỹ. “Vua đầu bếp” Martin Yan- người phụ trách trên 3.000 chương trình dạy nấu ăn “Yan Can Cook” – đã đến thăm nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng, ông hết lời khen món bánh tét lá cẩm của bà và chọn bánh tét lá cẩm là một trong ba món ăn dân dã của Cần Thơ phát trên sóng truyền hình TP.HCM vào tháng 12 năm 2012. Ở tuổi 83, bà Trọng vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, vừa lau lá chuối bà vừa nhắc con cháu gói bánh. Lá gói bánh là lá vừa đủ độ tươi, dai, không quá non cũng không quá già. Lá được lau sạch phơi sơ qua nắng. Nếp phải chọn kĩ loại nếp ngon, không lẫn tẻ, vo sơ ngâm trong 6 tiếng rồi vớt lên để ráo. Lá cẩm tươi vừa cắt trong vườn, rửa sạch nấu lược lấy nước cùng với nước cốt dừa trộn với gạo đã ngâm, nêm chút đường, dằn chút muối rồi đem xào trên bếp lửa chừng 1 giờ cho màu cẩm, nước cốt dừa, gia vì thấm vào từng hột nếp, các thức ấy có độ chín chừng 30% là được. Xào phải xào vừa tới, không được quá khô bánh sẽ rời và không được dư nước bánh sẽ ướt nhão kém ngon, đảo phải đảo đều tay để từng hột nếp được thấm quanh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đãi vỏ, thịt heo nạc. lạp xưởng và hột vịt muối. Bánh được gói bằng lá chuối, luộc chừng 5 tiếng là chín. Nấu bánh không được nấu bằng than sẽ mất mùi thơm của nếp, duy nhất nấu bánh chỉ bằng củi bánh mới giữ được mùi thơm nếp, vị bùi béo của nhân đậu thịt. Bánh tét lá cẩm của dòng họ Huỳnh đâu chỉ là bánh của lễ tết mà đã trở thành món ăn ưa chuộng ngày ngày của người Tây Đô và các tỉnh bạn như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội… Với 6 lò bánh mỗi ngày gói cả ngàn đòn bánh tét mà nhà bà Trọng vẫn hết hàng, lễ tết thì số bánh được gói nhiều hơn số ấy rất nhiều… Nếu một lần đến Tây Đô, bạn theo con đường xanh ngát tán bằng băng đến Bình Thủy, ăn miếng bánh tét lá cẩm họ Huỳnh sẽ cảm nhận được hương của nếp đầu mùa, vị béo của nhân thịt, vị bùi của đậu xanh, vị mặn của trứng vịt muối… Đơn giản thế thôi mà không thể chối từ ăn miếng thứ 2 rồi thứ 3 của món bánh vừa ngon vừa đẹp ấy… Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình ChiếcThìaVàng 2014

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo