CTV 2014 – Sơ khảo ĐBSCL II: Sáng tạo mới từ các loại hải sản sông nước…
T09 / 2021
Chặng đường đầu tiên của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2014 đã khép lại với nhiều cảm xúc với chiến thắng đầy thuyết phục của hàng An Hòa – thành phố Bến Tre. Tiếp nối hành trình tìm kiếm và tôn vinh những món ăn dân dã truyền thống của cuộc thi Chiếc thìa vàng năm nay, chúng ta sẽ có dịp được tiếp tục thả mình theo những hương vị đồng quê, đặc sản của vùng sông nước ĐBSCL II gồm: quán Phương Đông, quán Bánh Tầm Cay thuộc tỉnh Cà Mau, Chả hoa năm thụy tỉnh trà Vinh, Bánh Pía Tân Huê Viên – Sóc Trăng, Ngọc Hòa Quán, nhà hàng Lạc Hồng- tỉnh Kiên Giang, và quán Tám Thành- tỉnh Cần thơ trong ngày hội ẩm thực “Hương Vị Quê Nhà” tổ chức tại nhà hàng Lạc Hồng, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
1.Chiếc Thìa Vàng 2014 khai hội bằng “Hương vị quê nhà” – baomoi.com
2.Ba khía cơm cháy lên ngôi – BSA
3.Hội Ẩm thực Kiên Giang: Cá chốt ôm trứng lội trước – Thế giới du lịch
Đến với ngày hội, những vị đầu bếp đã cho thực khách có dịp được thưởng thức những món quen mà lạ, quen ở đây là những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, quá quen thuộc với người dân sông nước nhưng hương vị cách trang trí thì vô cùng lạ mắt. Nhắc đến miền tây, thì không thể nào bỏ qua được con ba khía, một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía, do chỉ có riêng ở vùng miền Tây nên Ba khía đã đi vào nền văn hóa, trong từng câu hát, ca dao ngọt ngào về cuộc sống, con người miền Tây một cách tự nhiên như vốn dĩ phải thế. Ba khía thường được chế biến thành mắm, mang tên mắm ba khía. Từ lâu, mắm ba khía là một món ăn bình dân khoái khẩu đối với nhiều người. Một người quê chính gốc miền Tây đã chia sẻ về cách làm mắm ba khía truyền thống như sau: “Ba khía rửa sạch, để ráo nước rồi đổ vào ngâm nước muối vài giờ (thử độ mặn bằng cách thả cơm nguội vào nước muối, hột cơm nguội nổi lên là được). Kế đến, vớt ba khía ra để riêng một chỗ. Lấy phần nước muối vừa ngâm ba khía thêm chút đường, nấu sôi. Trong khi đó, bỏ ba khía vào khạp, trộn thêm với tỏi, ớt… rồi đổ nước muối đã nấu chín để nguội vào khạp, để yên, không động đậy gì, chừng 10 ngày là ăn được. Mắm ba khía xé ra, trộn thêm với khế, rau quế hoặc rau răm thơm lừng, ăn bắt ghiền, cơm no bụng hồi nào không hay”. Thật vậy trong hành trình ngày hội ẩm thực hương vị quê nhà của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, với món cơm cháy ăn với mắm ba khía của nhà hàng Lạc Hồng đã chinh phục hoàn toàn thực khách lẫn ban giá khảo, khách mời khi giành giải nhất do mọi người bình chọn. Với miếng cơm cháy vàng rượm, giòn tan ăn kèm với chút mằn mặn của muối, ngọt ngọt của đường, cay nồng của ót tỏi, chút hương vị đặc trưng của thịt ba khía khiến cho người ta không ngừng muốn thưởng thức. Ngày hội ẩm thực Hương vị quê nhà tại ĐBSCL I chúng ta có món cá lóc nướng thì tại ngày hội ẩm thực của khu vực đồng bằng sông cửu long II ta lại có một món khác được làm từ cá đó là gỏi cá trích. Theo lời của một số người địa phương thì sau những chuyến ra khơi đánh bắt trở về, người dân xứ biển thường chọn 1 trong 5 loại: cá nhồng, cá bớp, cá đục, cá nù, cá trích để chế biến thành món gỏi làm cho bữa ăn gia đình thêm phong phú. Từ từ, qua nhiều cách chế biến, và nhiều loại cá khác nhau thì người ta thấy rằng gỏi cá trích là món ăn ngon nhất. Gắp từng miếng cá đặt vào bánh tráng, cho miếng dừa nạo, rau sống vào rồi cuốn lại, chấm vào nước chấm. Đặc biệt, ăn gỏi cá trích phải đủ rau rừng và rau trồng. Rau rừng 8 món: đọt bứa, bằng lăng, kim cang, soi nhái, trâm sắn, trâm kiềng kiềng, trâm dòi, trâm ba vỏ. Rau trồng gồm: xà lách, húng cay, rau thơm, diếp cá. Từ từ đưa vào miệng cuốn gỏi cá để cảm nhận thịt cá mềm giòn, ngòn ngọt, chua chua; vị beo béo của dừa, đậu phộng hòa với rau răm, hành tím nồng cay và vị chan chát của rau rừng. Chính vị chát rau rừng giúp ngừa chứng đau bụng với những ai dễ mắc chứng ăn không tiêu khi ăn những thực phẩm tươi sống. Cũng từ cách chế biến cầu kỳ, tỷ mỉ kèm theo một hương rất đặc trưng của người dân biển mà Ngọc Hòa Quán thuộc tỉnh Kiên Giang đã chinh phục được các thực khách khi đoạt giải ba sau món cơm cháy ba khía của nhà hàng lạc Hồng và bánh tằm gà cay của Quán Bánh Tằm Cay. Nếu nói món ba khía, gỏi cá trích đặc sắc nhất thì chưa đủ vì tất cả những món ăn trong ngày hội nếu ai một lần thử qua đều sẽ bị níu giữ cái hồn, cái chân tại vùng đất có một nền ẩm thực phong phú này. Đó là cái ngọt mà không ngấy, chút béo chút thơm của sầu riêng hay khoai môn ăm kèm với trứng vịt muối tưởng chừng những nguyên liệu ấy không liên quan gì đến nhau, nhưng lại được hòa trộn trong một loại bánh trứ danh, nó không đơn thuần là một đặc sản nữa mà là đại diện cho văn hóa của của vùng đất ấy mà bất cứ ai đi qua đều phải mua về làm quà là bánh Pía- Sóc Trăng của Tân Huê Viên. Một đại diện của Cần thơ cũng đã đem đến ngày hội một món ăn rất lạ đó là món chả giò cua đồng, cua đồng thì bình thường nhưng người ta chỉ hay dùng để nấu canh, nấu lẩu, nấu bún riêu… ở đây người đầu bếp đã sáng tạo ra món ăn vừa lạ mà vừa quen không kém phần đặc sắc này… Đến với ngày hội ẩm thực tại khu vực ĐBSCL II, các vị đầu bếp tài năng đã tạo cơ hội cho các thực khách có thể thưởng thức những món ăn vừa dân dã, truyền thống, nhưng vô cùng hấp dẫn. Ngày hội kết thúc với giải nhất thuộc về nhà hàng Lạc Hồng với món cơm cháy- ba khía, Bánh tằm gà cay của quán Bánh Tằm Cây, Cà Mau, giải ba thuộc về món gỏi cá trích của Ngọc Hòa Quán, Kiên Giang.
Cuộc thi Chiếc thìa Vàng sẽ chính thức bước vào vòng sơ kết vào ngày 04/05/2014 tại Rạch Giá- Kiên Giang,với sự tham gia của 11 đội đến từ Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ.